Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 16



Chánh văn:

Phật nói: Người ôm ấp ái dục không thể thấy đạo. Thí như nước lóng trong lại lấy tay khuấy, những người đến nhìn, không thấy được bóng họ. Người do ái và dục lẫn lộn, phiền não ô trọc trong tâm nổi dậy, nên không thấy đạo. Sa-môn các ông phải dứt bỏ ái dục; cáu bẩn ái dục hết rồi mới thấy được đạo. 

Giảng:

Bài này chính yếu nói về thiền định. Phật nói người ôm ấp ái dục trong lòng không thể thấy đạo. Thí như người muốn lóng nước trong mà cứ lấy tay khuấy, khi đó những người khác đến nhìn không thấy được bóng. Ái dục là yêu mến, yêu mến bản ngã, yêu mến những cái chung quanh và tham luyến ngũ dục. Ái và dục lẫn lộn nhau nên phiền não ô trọc trong tâm nổi dậy mãi, không thể thấy đạo.

Phật lại dạy: Sa-môn các ông phải dứt bỏ ái dục, cáu bẩn ái dục hết rồi mới thấy được đạo. Như lóng nước, nước chưa trong mà chúng ta cứ khuấy, người đến nhìn không thấy được bóng. Nếu chúng ta chịu khó lóng cho đến nước trong và đừng khuấy, khi người đến nhìn sẽ thấy được bóng, Nước thí dụ cho tâm. Chúng ta do ái dục nên tham sân si cứ dấy khởi mãi, cho nên muốn thấy đạo, thấy sự thật của vũ trụ, không thể thấy được. Muốn thấy đạo tâm mình phải lặng, nên nói hồ tâm lóng lặng rồi mọi ảnh tượng bên ngoài hiện rõ ràng. Nếu tâm vừa hơi lặng lại dấy khởi, vừa lặng lại dấy khởi, cũng như hồ nước vừa để ngưng năm phút lại khuấy, năm phút lại khuấy làm sao trong được?

Thế nên tôi khuyên quý vị ráng tu đều đều, phải cho hồ tâm lặng xuống, chứ hôm nay chạy lại thất này, mai đến nhà kia nói chuyện luôn, tâm đâu có lặng được. Hồ tâm lặng, bóng gì cũng hiện. Muốn hồ tâm lặng thì đừng khuấy động. Đó là cách tu thiết thực nhất. Tâm thanh tịnh rồi ngoại cảnh tự hiện, Phật Di-đà cũng hiện. Khi tâm lặng dù không cầu Phật rước, Phật cũng hiện tiền. Thí như hồ nước trong, mặt trăng tự hiện bóng, không thể nói mặt trăng đi xuống hồ, nhưng vì nước trong nên thấy bóng trăng hiện. Cũng vậy, tâm thanh tịnh thì thấy Phật Di-đà hiện, còn tâm lăng xăng rối loạn, cầu Phật không thể được. Cho nên không cần cầu Phật hiện, chỉ lo cho tâm mình thanh tịnh, đó là gốc của sự tu. Nên nói tâm tịnh thì độ tịnh, tâm tịnh thì có Phật Di-đà, có cõi Tây phương rõ ràng.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.